Nghề dệt lụa tơ tằm xuất hiện đầu tiên nhất là ở Trung Quốc, có thể là từ rất sớm vào khoảng năm 6000 TCN nhưng chắc chắn là khoảng năm 3000 TCN là đã có. Bởi vẻ đẹp óng ánh và độ bền của nó nên lụa nhanh chóng trở thành một thứ hàng cao cấp, xa xỉ bậc nhất dành riêng cho giới quý tộc, vua quan trong triều. Chính vì vậy, các vị vua Trung Hoa đã cố gắng giữ bí mật nghề nuôi tằm nhằm giữ thế độc quyền cho mình và ấp ủ suy nghĩ làm giàu bằng cách đưa vải lụa qua phương Tây để trao đổi, mua bán, mang lại nguồn lợi nhuận khổng lồ cho Trung Hoa. Từ đó hình thành nên con đường tơ lụa.
Hình ảnh: Vải lụa tơ tằm
Sự Hình Thành Con Đường Tơ Lụa
Nhận thức được vẻ đẹp cao cấp và giá trị của lụa tơ tằm mãi sau thế kỷ 2 TCN, người Trung Hoa đã bắt đầu đem tơ lụa, gấm vóc trên lưng những con lạc đà đi khắp mọi nẻo đường đến Ba Tư và La Mã để đổi lấy vàng bạc hay các vật phẩm có giá trị khác mà người phương Đông không có mang về sử dụng. Từ đó hình thành nên Con Đường Tơ Lụa nổi tiếng lịch sử, đây xứng đáng là con đường vĩ đại nhất trong lịch sử loài người.
Hình ảnh: Con đường tơ lụa nổi tiếng lịch sử
Cái tên Con đường tơ lụa được đặt theo tên vật phẩm có giá trị và cũng là vật phẩm được trao đổi nhiều nhất – lụa tơ tằm. Nó bắt đầu từ Phúc Châu, Hàng Châu, Bắc Kinh (Trung Quốc) đi qua Mông Cổ, Ấn Độ, Afghanistan, Kazakhstan, Uzbekistan, Azerbaijan, Iran, Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, xung quanh vùng Địa Trung Hải và đến tận châu Âu. Con đường có chiều dài khoảng 5.000 dặm (khoảng 8000 km).
Đến thứ kỷ thứ VIII, con đường tơ lụa trên biển được ra đời bởi những thương gia người Ả Rập.
Hình ảnh: Con đường tơ lụa trên biển
Được đánh giá là có tính an toàn và tốc độ hơn nên ngay sau đó những quốc gia như Bồ Đào Nha, Pháp, Anh, Hà Lan cũng lần lượt theo gót Ả Rập tới Trung Quốc để trao đổi, buôn bán tơ lụa.
Con Đường Tơ Lụa Và Những Câu Chuyện
Những bậc đế vương hay nhà quý tộc của La Mã rất thích lụa Trung Hoa. Họ mong muốn sở hữu thứ hàng này đến mức sẵn sàng cân lụa đổi vàng. Nhận thấy được lợi nhuận khổng lồ từ thị trường, các thương gia Trung Quốc dốc toàn bộ khả năng để tăng cường vận chuyển hàng hóa tới La Mã, Ai Cập mặc dù mỗi một người trong thương đoàn đều biết họ phải trải qua một chặng đường đầy khó khăn và nguy hiểm mới có thể đến được với vinh hoa, phú quý.
Hình ảnh: Hành trình đi qua con đường tơ lụa đầy khó khăn, nguy hiểm
Khắc nghiệt nhất phải nói đến gió cát nơi sa mạc hoang vu, nơi có sự chênh lệch nhiệt độ đến đáng sợ, ban ngày nhiệt độ có thể lên tới 48 độ C, nhưng đêm đến nhiệt độ lại giảm xuống chóng mặt tới âm độ. Để chống chọi với kiểu thời tiết khắc nghiệt này đòi hỏi các thương gia phải có sức khỏe tốt cộng sự chuẩn bị hết sức chu đáo. Nhưng đó chưa phải là tất cả, điều đáng lo hơn là phải đối mặt với những toán cướp sa mạc, bất ngờ xuất hiện ở các hẻm núi.
Sau một thời gian hình thành, con đường tơ lụa ngày càng được biết đến và phát triển với số lượng hàng hóa trên con đường tơ lụa ngày một nhiều và đa dạng như đá quý, các loại gia vị, khoáng sản, thuốc… hay cả các loài động vật. Kể cả những người dân nô lệ cũng bị đem ra làm vật phẩm buôn bán dọc theo con đường tơ lụa.
Hình ảnh: Buôn bán nô lệ trên con đường tơ lụa
Những nô lệ bị đem bán hầu hết là những người dân thường vô tội bị bắt trong các cuộc chiến tranh, tội phạm hay nợ một món tiền lớn mà không thể trả.
Không chỉ có ý nghĩa về mặt giao thương, con đường tơ lụa còn là tiền đề để thúc đẩy khoa học phát triển trong thời kỳ này. Nhờ những cuộc buôn bán, thám hiểm con người có cái nhìn mới về tự nhiên, địa lý, chính trị. Đồng thời đây cũng trở thành con đường giao thoa văn hóa, tôn giáo khắp nơi. Rất nhiều nhà thờ, giáo đường Kitô giáo, Do Thái giáo, hay chùa chiền được dựng lên trên con đường này. Mọi tôn giáo đều được chấp nhận và tôn trọng trên con đường tơ lụa.
Sự Sụp Đổ Của Con Đường Huyền Thoại
Nguyên nhân chính dẫn tới sự suy tàn của con đường tơ lụa là do ảnh hưởng từ chính trị của Trung Quốc thời bấy giờ. Các cuộc chiến tranh liên miên cùng nạn đạo tặc, cướp phá trên con đường tơ lụa khiến các thương nhân khốn đốn. Hậu quả là con đường tơ lụa dần tan rã, dần chìm vào dĩ vãng cùng với những hào quang của nó và để lại nhiều thành phố cổ heo hút.
Hình ảnh: Con đường tơ lụa sụp đổ
Con đường tơ lụa bị tan rã trong khi nhu cầu về trao đổi hàng hóa giữa phương Đông và phương Tây ngày càng lớn. Chính vì vậy họ suy nghĩ và tìm kiếm một con đường khác thay thế an toàn và nhanh chóng hơn. “Con đường tơ lụa trên biển” được khai mở.
Con đường tơ lụa không chỉ là con đường thông thương, buôn bán Đông Tây trong thời cổ đại mà nó còn là huyết mạch giao lưu chính trị, tôn giáo, văn hóa văn minh giữa các nước trên thế giới. Ảnh hưởng sâu đậm đến mối quan hệ giữa Đông phương với Tây phương và tổng hợp, giao thoa tinh hoa, thúc đẩy phát triển văn minh nhân loại mang giá trị lịch sử to lớn.
Nguồn tơ lụa Việt Nam