Khăn lụa tơ tằm được dệt từ sợi tơ của con tằm, với lịch sử hình thành từ rất lâu trước đây. Nhìn chung, để cho ra một tấm lụa cơ bản sẽ trải qua ba bước chính nuôi tằm, ươm tơ và dệt lụa. Quốc gia đầu tiên phát hiện và sản xuất được loại vải tơ tằm này là Trung Quốc. Nhờ vào sự óng ánh đặc trưng và độ bền của mình nên lụa đã nhanh chóng trở thành một thứ hàng thượng hạng và được yêu thích. Nhận thấy lụa có khả năng đem lại lợi nhuận lớn, các thương nhân người Hoa đã đem chúng sang bán tại các nước phương Tây và Châu Á. Đây là lý do vì sao ngày nay chúng ta được biết đến cụm từ “con đường tơ lụa”.
Ở Việt Nam, lụa tơ tằm đại diện và gắn liền với bản sắc văn hóa lâu đời của dân tộc. Nghề chăn tằm, ươm tơ đã có từ thời vua Hùng Vương thứ 6 do công chúa Thiều Hoa khởi nghiệp. Kể từ đó những người theo nghề dệt lụa thờ Thiều Hoa làm tổ nghề dệt lụa. Lụa tơ tằm được truyền bá rộng rãi khắp Việt Nam tạo thành những làng nghề truyền thống với bề dày lên đến ngàn năm tuổi. Đến thời điểm hiện tại, những sản phẩm từ lụa với óc sáng tạo của các nghệ nhân đã trở nên phong phú hơn, được ứng dụng nhiều hơn trong cuộc sống. Nhưng hơn hết, tất cả chúng đều mang trong mình giá trị truyền thống sâu sắc, là tinh hoa văn hóa của dân tộc.
Về Công Dụng Của Khăn Lụa Tơ Tằm
Không chỉ được sử dụng để tôn lên vẻ đẹp, sự dịu dàng và cũng có thể là cá tính cho phái nữ. Những chiếc khăn lụa tơ tằm cao cấp đó với bản chất là một loại sợi Protein có chứa 18 loại axit amin. Tơ tằm có khả năng hút ẩm, điều hòa thân nhiệt tạo cho người mặc cảm giác mát mẻ vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông. Tơ tằm có chức năng cải thiện giấc ngủ, kháng và tiêu diệt các loại virus, vi khuẩn, bảo vệ làn da.
Về Chức Năng
Là vật dễ dàng mang theo bên mình chính vì thế mà bạn có thể tùy biến sử dụng khăn lụa với các mục đích khác nhau. Thế nhưng ngay từ ban đầu, việc chọn mua một chiếc khăn đã không hề dễ dàng. Dù không cần phải chọn kích cỡ vừa vặn như quần áo, nhưng nhiều chiếc khăn dễ dàng bị xếp trong xó tủ nếu một ngày ta chợt nhận ra vẻ gượng gạo và cứng nhắc của mình khi quàng chúng.
Vậy tại sao bạn không thử sử dụng chúng khác đi? Ngoài việc được sử dụng với chức năng như một chiếc khăn choàng để giữ ấm thì có thể thay đổi bằng cách sử dụng chúng như một chiếc băng đô cài tóc hoặc biến nó thành một cái chân váy, một chiếc đầm hay thậm chí là một chiếc thắt lưng,…. Chức năng của nó hoàn toàn thay đổi khi bạn dùng nó với một cách thức khác. Tin tôi đi đó sẽ là các trải nghiệm hoàn toàn mới mẻ đối với bạn đấy!
Về Đặc Điểm Nhận Biết Lụa Tơ Tằm
Nhìn bằng mắt thường, ta thấy được lụa tơ tằm là một loại vải mịn, mỏng, được dệt bằng tơ tằm. Một số đặc điểm nhận biết khác như:
Đặc điểm vật lý
Mặt cắt của sợi tơ tằm có hình tam giác bo góc tròn nên ánh sáng chiếu vào ở nhiều góc độ khác nhau làm cho lụa tơ tằm có vẻ óng ánh đặc trưng. Còn các loại lụa pha Polyester sẽ có hình tròn.
Người tận tay trực tiếp cầm lụa tơ tằm có thể cảm nhận sự láng mịn của lụa, nó không giống như các loại vải dệt từ sợi nhân tạo khác.
Độ dẫn điện và dẫn nhiệt của lụa tơ tằm kém nên thích hợp cho cả thời tiết lạnh và nóng. Nhiệt độ cơ thể sẽ ít bị ảnh hưởng bởi thời tiết bên ngoài môi trường.
Đặc điểm cơ học
Lụa là một trong những loại sợi tự nhiên chắc chắn nhất , tuy nhiên khi bị ướt độ chắc chắn của nó giảm đi 20%. Đây chính là điểm mà bạn cần đặc biệt lưu tâm khi thực hiện vệ sinh cho chiếc khăn lụa của mình.
Khi giặt: Tốt nhất là nên sử dụng phương pháp giặt khô (giặt hấp sấy). Quá trình này giặt quần áo mà không cần dùng nước hay dung môi để làm sạch vết bẩn. Giặt khô thường sử dụng các hợp chất hữu cơ là dung môi giặt, hóa chất sử dụng cũng là loại hóa chất giặt khô khác với giặt thông thường. Ngoài ra, nếu không thể giặt khô, bạn có thể giặt bằng tay và sử dụng xà phòng nhẹ (có thể dùng sữa tắm, dầu gội đầu hoặc các sản phẩm xà phòng có hàm lượng chất tẩy rửa thấp). Hạn chế vắt khô, vặn xoắn trong khi giặt và vắt. Nên thêm một nắp nước giấm trắng vào nước xả cuối vì giấm sẽ giữ cho màu sắc khó phai và giúp phân hủy bụi bẩn.
Khi phơi: Phơi ở các vị trí thoáng mát, không phơi ở nơi có ánh nắng mặt trời trực tiếp chiếu vào vì như vậy sẽ làm cho các sợi tơ tằm bị giòn, khô và cứng. Tránh phơi ở nơi thường xuyên có nhiệt độ cao hay lượng bức xạ mặt trời lớn, điều này sẽ làm khăn lụa nhanh bị phai màu và mất đi độ bóng tự nhiên vốn có của nó.
Khi là (ủi): Nên ủi lúc sản phẩm lụa còn ẩm, nếu có thể sử dụng bàn ủi hơi hoặc có thể dùng bình xịt một chút nước để làm ẩm sản phẩm trước khi ủi, nên ủi ở mặt trái của sản phẩm. Khi không sử dụng sản phẩm trong một thời gian dài, nên bảo quản sản phẩm trong những bao gói bằng cotton, hoặc cho vào túi/hộp giấy sạch để sản phẩm lụa không bị bám bụi và luôn mềm mại. Tránh tuyệt đối việc sử dụng túi Nilon, nó có thể gây xỉn màu hoặc ố vàng, ảnh hưởng đến độ bóng và màu sắc của khăn lụa.
Độ co giãn của lụa gần như là không có hoặc chỉ ở mức trung bình và sau khi bị giãn ra thì sẽ rất khó để phục hồi lại 100% như ban đầu. Chính vì thế khi sử dụng khăn lụa làm trang phục cần phải đảm bảo vừa vặn và tạo sự thoải mái, dễ di chuyển và làm việc.
Khăn lụa tơ tằm là một loại vải có khả năng chống nhăn kém. Tùy vào phương pháp dệt và độ dày mỏng khác nhau mà chúng có độ nhăn khác nhau. Nhưng nhìn chung, vải lụa trong quá trình mặc và giặt cần cẩn trọng và tuân theo quy trình vệ sinh đã được nêu lên ở phía trên.
Đặc điểm hóa học
Khả năng giữ ẩm tốt: Tơ tằm có khả năng hấp thụ nước tốt (11%) nên lụa thường được nhận xét rằng mát vào mùa hè và ấm vào mùa đông. Quần áo và các sản phẩm thời trang may mặc bằng lụa tơ tằm được yêu thích sử dụng tại các quốc gia nóng ẩm.
Không còn bền khi phơi dưới ánh nắng: Hầu hết các loại sợi tự nhiên nhạy cảm với nhiệt độ cao,trong đó bao gồm cả sợi tơ tằm. Sợi tơ tằm bắt đầu phân hủy ở nhiệt độ 165 độ C nên thậm chí nước quá nóng cũng có thể làm biến dạng vải lụa.
Lụa tơ tằm có khả năng kháng nấm mốc, mùi hôi cơ thể, bụi bẩn tự nhiên khá tốt trừ trong trường hợp bị ẩm ướt hoặc môi trường nhiệt ẩm cao.
Lụa tơ tằm có thể bị côn trùng ăn: Lụa là miếng mồi hấp dẫn cho các loại côn trùng như gián hoặc mối vậy nên trong quá trình bảo quản vải lụa cần hết sức lưu ý.
Về Kích Thước
Ngày nay, để đáp ứng nhu cầu của người sử dụng thì các địa chỉ cung cấp khăn lụa tơ tằm mang đến rất nhiều loại khăn với kích thước và hình dạng khác nhau. Cụ thể về kích thước, yếu tố này phụ thuộc hoàn toàn vào các cửa hàng. Còn về hình dạng thì có các hình dạng thường gặp như hình vuông, hình chữ nhật bản to, hình chữ nhật bản nhỏ,..
Bạn có thể xem thêm “Mẫu Kích Thước Chuẩn Của Từng Loại Khăn Lụa” tại đây.
Về Giá Trị
Giá trị vật chất: Yếu tố khiến giá trị vật chất của sản phẩm lụa tơ tằm cao đó là chi phí nhân công trong suốt thời gian để sản xuất ra một tấm lụa trong khoảng 4 – 6 tháng. Ngoài ra, chi phí bỏ ra trong quá trình sản xuất cũng chiếm một phần không hề nhỏ như chi phí trồng dâu, nuôi tằm, màu nhuộm, chi phí phát sinh,… Thêm vào đó, giá sợi lụa tơ tằm cao gấp 18 lần giá bán sợi cotton và cao gấp 28.6 lần giá bán sợi polyester. Chính vì vậy sẽ không có gì đáng ngạc nhiên khi giá của các sản phẩm từ lụa khá là cao. Tuy nhiên, nó là hoàn toàn xứng đáng với chi phí phải bỏ ra ban đầu cho một sản phẩm.
Giá trị tinh thần: Lụa Việt không chỉ được người dân Việt Nam yêu thích mà còn được nhiều đất nước khác. Đó là một món quà thuần Việt giúp bạn nhớ về quê hương, gợi lên những nét đẹp đặc trưng về văn hóa truyền thống của dân tộc cho dù bạn có đi đến bất cứ nơi nào đi chăng nữa.