Bên cạnh việc bỏ tiền vào tiết kiệm ngân hàng, tham gia bảo hiểm giúp đa dạng hóa danh mục đầu tư, đảm bảo dự phòng trong bối cảnh kinh tế biến động.
Theo số liệu của Bloomberg Economics, lạm phát toàn cầu quý III là 9,8% và được dự báo 3 tháng cuối năm nay ở mức 9,5%, trong năm sau duy trì ở ngưỡng 5,3%. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu chịu tác động bởi suy thoái kinh tế, Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Số liệu của Tổng cục Thống kê chỉ ra, chỉ số giá tiêu dùng cả nước (CPI) tháng 9/2022 tăng 0,4% so với tháng trước, tăng 4,01% so với tháng 12/2021 và tăng 3,94% so với cùng kỳ 2021. Bình quân 9 tháng năm 2022, CPI tăng 2,73% so với cùng kỳ năm trước, phản ánh mức chi tiêu trung bình tăng. Chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh nhận định: "Chịu áp lực là có, nhưng sẽ không lâm vào cảnh lạm phát cao như các nước trên thế giới. Năm 2023, dự báo lạm phát không vượt quá 4.5%".
Theo đó, trong bối cảnh kinh tế biến động, nhiều chuyên gia cho rằng, việc tham gia bảo hiểm nhân thọ giúp khách hàng an tâm đồng thời, bảo vệ và nâng cao giá trị tài sản tích lũy. Dưới đây là ba lý do giúp bảo hiểm có thể phát huy vai trò trong điều kiện kinh tế biến động.
Đa dạng hóa danh mục đầu tư
Bên cạnh việc bỏ tiền vào tiết kiệm ngân hàng, tham gia bảo hiểm giúp người dùng có thể đa dạng hóa danh mục đầu tư. Theo TS. Vũ Đình Ánh, lãi suất tiền gửi trong năm 2023 có thể sẽ tiếp tục tăng, song, sẽ không "tăng sốc" như năm 2022. Do đó, nếu như ngân hàng là kênh tiết kiệm với ưu thế về mặt lãi suất để phục vụ cho nhu cầu ngắn hạn, bảo hiểm nhân thọ lại chiếm ưu thế giúp đảm bảo tài chính trước các rủi ro như ốm đau, bệnh tật hay phòng bị khi người trụ cột không còn đồng hành với gia đình.
Ủy thác đầu tư
Trong bối cảnh thị trường biến động gây khó khăn cho nhiều nhà đầu tư nghiệp dư gia nhập "sân chơi" của bất động sản, trái phiếu và chứng khoán, việc sở hữu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ liên kết đầu tư với nguyên tắc đầu tư dựa trên giá trị và có quy trình quản lý rủi ro chặt chẽ được nhiều chuyên gia định hướng.
Bản chất của bảo hiểm là bảo vệ tài chính, bên cạnh các giá trị gia tăng là giúp người dân có thể an tâm tích lũy một cách kỷ luật, tạo ra khả năng gia tăng tài sản.
Bảo vệ trước rủi ro tăng chi phí y tế và giáo dục
Ngoài ra, một lợi ích khác khi tham gia các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe giúp bảo vệ khách hàng trước rủi ro tăng chi phí y tế. Theo TS. Vũ Đình Ánh, yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến khách hàng chính là chi phí giáo dục và chi phí y tế, khả năng sẽ tăng trong năm 2023. Từ đầu năm 2023, các bệnh viện công có thể thu tiền khám bệnh mỗi lượt 300.000 đồng, tiền giường nằm 3 triệu đồng một ngày.
Đây là mức giá được đề xuất trong Dự thảo Thông tư hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu do cơ sở y tế công lập cung cấp. Dự thảo đang được Bộ Y tế xây dựng, xin ý kiến, dự kiến áp dụng từ ngày 1/1/2023.
Giá giường nằm tại phòng điều trị theo yêu cầu (chưa bao gồm tiền thuốc, các dịch vụ kỹ thuật y tế) tối đa 3 triệu đồng một ngày với bệnh viện hạng đặc biệt, hạng một, mỗi phòng một giường. Cùng hạng bệnh viện này, nếu phòng có hai giường giá 2,5 triệu đồng/giường; phòng 3 giường giá 1,5 triệu đồng/giường, phòng 4 giường giá 1,3 triệu đồng/giường.
"Do đó, khách hàng cần có sự chuẩn bị các nguồn dự phòng, bổ sung thiếu hụt bảo hiểm để phòng ngừa rủi ro về sức khỏe, cũng như chuẩn bị quỹ học vấn cho con cái", ông Ánh nhận định.
Hồng Thảo