Tìm một gói vay là việc khá dễ dàng nhưng bạn có chắc rằng bạn đã nắm rõ tất cả những quy định cần thiết để tránh những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra?
1. Tìm hiểu kỹ về các mức phí, phạt trước khi ký hợp đồng
Người vay luôn có tâm lý muốn hoàn tất thủ tục và nhận tiền càng sớm càng tốt, nhưng nếu không đọc kỹ hợp đồng nhất là các khoản phí, phạt, bạn sẽ có nguy cơ vướng phải rắc rối sau này. Thông thường, các ngân hàng có phí phạt dao động 1-3% trên dư nợ còn lại khi khách hàng trả nợ trước hạn và áp dụng lãi suất từ 1,1 đến 1,5 lần lãi suất trong hạn đối với khoản nợ quá hạn. Do đó, trước khi vay, người vay cần đọc kỹ hợp đồng cũng như trao đổi kỹ với nhân viên tín dụng về các mức phí, phạt cho những trường hợp cụ thể để tránh bị thiệt thòi.
2. Hiểu đúng về lãi suất
Bất cứ ai cũng mong muốn có được lãi suất hấp dẫn khi quyết định chọn một gói vay. Nắm bắt được tâm lý đó, các ngân hàng liên tục đưa ra các mức lãi suất ưu đãi nhằm thu hút người vay. Tuy nhiên, những chương trình khuyến mãi lãi suất thường có thời hạn, do đó người vay cần tìm hiểu kỹ xem thời gian ưu đãi là bao lâu, lãi suất sau thời gian ưu đãi sẽ được tính toán cụ thể thế nào, các kỳ điều chỉnh lãi suất... để tránh bị hiểu lầm. Thêm vào đó, người vay cũng cần chú ý đến hình thức tính lãi. Hiện nay, các ngân hàng có hai hình thức tính lãi là tính theo dư nợ giảm dần và tính theo dư nợ ban đầu. Người vay cần trao đổi kỹ với nhân viên tư vấn để chọn hình thức tính lãi suất phù hợp với nhu cầu.
3. Chọn thời hạn vay theo điều kiện kinh tế
Có rất nhiều lý do để tìm đến một khoản vay: sửa chữa nhà cửa, mua xe, thanh toán chi phí y tế, cho con đi du học,… Số tiền vay cũng đa dạng, tuỳ thuộc vào nhu cầu của người vay. Bạn có thể kéo dài thời gian vay để không phải đóng quá nhiều tiền cùng một lúc, hoặc nếu dư dả hơn, bạn có thể rút ngắn thời gian vay để nhanh chóng trả hết nợ.
4. Phân bổ tài chính để trả nợ
Trong nhiều trường hợp, do không phân bổ tài chính hợp lý mà người vay rơi vào tình trạng kiệt quệ tài chính và phải vay mượn thêm để thanh toán cho ngân hàng. Theo các chuyên gia tài chính, bạn nên kiểm tra kỹ ngân sách cũng như vạch ra một kế hoạch chi tiêu rõ ràng. Số tiền dành cho việc trả nợ chỉ nên chiếm nhiều nhất 30-40% tổng doanh thu hàng tháng. Bạn nên trích riêng phần tiền trả nợ ngay khi nhận được lương để tránh việc vung tay quá trán. Nên nhớ, việc không trả được nợ sẽ dẫn đến những hệ luỵ rất xấu như việc mượn tiền không có kế hoạch hoặc phí phạt từ ngân hàng.
5. Tìm kiếm khoản vay phù hợp
Trên thị trường hiện nay có rất nhiều ngân hàng cung cấp dịch vụ vay với rất nhiều thể thức cũng như ưu đãi khác nhau. Làm sao bạn có thể tìm ra ngân hàng phù hợp nhất với điều kiện của mình giữa muôn vàn lựa chọn? Bạn có thể tham khảo tại website chính thức của các ngân hàng hoặc các đơn vị trung gian tư vấn uy tín.