Nhiều người muốn thành công kiểu "ăn xổi", muốn thành triệu phú ngay ngày mai, họ quên mất rằng thành công là một quá trình và là một chuỗi của những thất bại, đánh đổi, nỗ lực.
90% thế giới tìm cách để thành công tức thì, giàu có tức thì, họ muốn mọi thứ diễn ra ngay lập tức hoặc chậm nhất là ngày mai. Muốn thành tỷ phú? Ngày mai phải trở thành tỷ phú. Thế nhưng, họ quên mất rằng để có được sự thành công, giàu có là cả một quá trình, không có đường tắt và cũng không có lối đi thẳng.
Làm việc chăm chỉ, nỗ lực đến cùng để đạt được mục tiêu và sẵn sàng vượt qua khó khăn mới là thứ đưa bạn tới đích. Có thể bạn rất giỏi ở một lĩnh vực nào đó, thế nhưng để lên được tới đỉnh, bạn còn phải rèn luyện thêm rất nhiều.
Có thể bạn không biết tới Ben Hogan, một tay golf nổi tiếng thế giới, mỗi đường gậy của anh được giới chuyên môn đánh giá là chính xác, chuẩn như bác sĩ phẫu thuật. Ben chẳng có được ngày hôm nay nếu anh không bỏ ra hàng nghìn giờ luyện tập, tách nhỏ các yếu tố của một đường gậy, tập chuẩn từng động tác cho tới khi đạt được đỉnh cao.
Ben Hogan
Ben Hogan từng có một câu nói rất nổi tiếng: "Khi bạn đi trên đường đời, hãy cố gắng ngửi mùi hoa hồng vì có thể đó là lần duy nhất bạn được ngửi nó", chính vì lý do đó Ben luôn nỗ lực như cú đánh tiếp theo sẽ là lần cuối cùng anh được chơi.
Và tất cả những thứ Ben làm đều có liên quan tới một phương pháp rèn luyện với tên gọi luyện tập có mục đích. Vậy phương pháp này là gì? Hãy cùng tìm hiểu về nó.
Luyện tập có chủ đích: Xác định được điểm yếu mới tiến tới điểm mạnh
Điểm mấu chốt của phương pháp luyện tập này là chia nhỏ những yếu tố của một hành động ra thành nhiều hoạt động đơn giản, ngắn. Bạn luyện tập nó liên tục cho tới khi đạt được mục tiêu.
Giả sử bạn tập vẽ một hình tròn, trước hết bạn phải tập vẽ được 1/4 hình tròn cho thật đẹp đã rồi sau đó mới tiếp tới 1/2, 3/4 và cuối cùng là cả hình tròn. Một khi vẽ được 1/4 hình tròn thật đẹp, thật chuẩn bạn mới chuyển sang bước tiếp theo.
Một hành động bất kì có thể được chia thành nhiều thành phần, một khi hoàn hảo được từng thành phần, bạn sẽ có một hành động hoàn hảo
Ngoài ra, một thành phần khác của luyện tập có chủ đích chính là xác định yếu điểm của bản thân, ai cũng có những điểm yếu cản trở mình tới với thành công. Giả dụ như với ví dụ vẽ hình tròn bên trên, bạn có thói quen cầm bút chưa chính xác dẫn tới việc bạn chẳng thể nào vẽ nổi 1/4 hình tròn toàn diện. Vậy, phải làm gì trong trường hợp này?
Đây là khi thành phần thứ 3 của luyện tập có chủ đích xuất hiện, đó chính là thử nghiệm chiến thuật mới để tiếp cận vấn đề. Nhớ về khuyết điểm phía trên của bạn chứ?
Hãy đưa ra một chiến thuật mới khắc phục phần nào nó, biến khuyết điểm trở thành thứ gì đó nhỏ thôi, không ảnh hưởng quá nhiều đến thành quả chung. Và dần dần hoàn thiện hình tròn rồi lặp lại mọi quá trình đến khi bạn vẽ 100 lần cũng đều ra 100 hình tròn hoàn thiện.
Như vậy, quy trình của luyện tập có chủ đích sẽ bao gồm: Chia nhỏ quá trình ra thành nhiều phần; xác định điểm yếu; thử nghiệm chiến lược mới để tối giản điểm yếu; đi tới khâu hoàn thiện và lặp lại toàn bộ quá trình.
Rất nhiều người bỏ qua 3 bước đầu tiên và họ chỉ tập trung vào bước 4 hoặc bước 5. Họ lập tức vẽ một hình tròn và rồi khi nó không tròn lại cứ tiếp tục làm lại. Họ không có được sự phát triển từng bước như phương pháp nêu trên nên để vẽ được hình tròn hoàn hảo có vẻ khá hên xui. Để thành công, chúng ta cần hoàn thiện từng kĩ năng trong gói của mình, chỉ có khi mọi thứ hoàn thiện, quá trình làm việc mới hiệu quả hơn.
Có thể bạn sẽ thắc mắc, nó thì liên quan gì đến thành công? Người thành công đâu phải lúc nào cũng là những người có kĩ năng giỏi nhất? Hãy xem các ví dụ dưới đây.
10 năm yên lặng của Mozart
Mozart là một nhà soạn nhạc nổi tiếng, rất nhiều người đã nghiên cứu các bản nhạc của ông để tìm ra liệu Mozart dành bao nhiêu thời gian cho việc luyện tập trước khi có các tác phẩm này.
John Hayes là một trong số những người nghiên cứu đó, vị giáo sư này thống kê 76 nhà soạn nhạc khác nhau với hơn 500 tác phẩm và đưa ra kết luận rằng để có được một tác phẩm để đời, Mozart dành tới 10 năm tập luyện miệt mài trong yên lặng và rồi tác phẩm kinh điển đã khiến ông được người đời biết tới.
800 lần ném bóng một ngày của Kobe Bryant
Vận động viên bóng rổ chuyên nghiệp Kobe Bryant là thần tượng của rất nhiều người, từ cách thức chơi bóng mãn nhãn cho tới những thành công trong sự nghiệp, rất nhiều người mơ thành một Kobe Bryant trong tương lai. Thế nhưng, để có được thành công này, Kobe đã tốn không ít thời gian cùng công sức luyện tập.
Một đồng đội luyện tập cùng Kobe Bryant tại đội tuyển quốc gia cho rằng Kobe bắt đầu luyện tập từ 4 giờ 30 sáng. Anh chạy thể dục tới tận 6 giờ và ngay sau khi vừa kết thúc chạy anh bắt đầu với những bài tập cơ, nâng tạ tới 7 giờ. Kobe cho mình 4 tiếng từ 7 giờ sáng đến 11 giờ để hoàn thành 800 lần ném bóng ở nhiều vị trí. Mục đích của anh là ném trúng 800 lần trong buổi luyện tập rồi mới bắt đầu sang những thứ khác.
Sau khi Kobe luyện tập xong cũng là lúc đội tuyển quốc gia bắt đầu luyện tập, Kobe lại vào cùng đồng đội của mình luyện tập lại những gì anh đã có trước đó. Người đồng đội của Kobe cho rằng bí quyết thành công của anh rất đơn giản, cứ luyện tập mãi mà thôi.
10 năm luyện tập chỉ để làm món trứng
Đầu bếp Jiro Ono tại Tokyo, Nhật Bản nổi tiếng với món sushi do ông làm nên. Vì sự thành công cùng tài năng của Jiro, rất nhiều học trò tới với đầu bếp này để học được cách làm sushi giống như ông.
Thế nhưng, quá trình này không hề đơn giản, Jiro yêu cầu học trò làm lại đúng như những gì ông từng làm trước đó, họ phải học cách dùng dao, cắt cá ra sao, làm nắm cơm như thế nào và thậm chí cách buộc khăn trước khi vào bếp.
Một cựu học sinh của Jiro chia sẻ rằng phải mất tới 10 năm học tập cùng Jiro họ mới hoàn thành quá trình và rồi bắt đầu được vị đầu bếp tài ba cho phép làm món trứng để Jiro làm sushi cùng.
Kết
Một vị giáo sư tại trường Đại học Florida từng nói với sinh viên của mình: "Lý do cơ bản các trò chưa trở thành một người chơi violin nổi tiếng, một vận động viên Olympic hay bất kì người nổi tiếng nào khác, là do các trò chưa luyện tập đủ, chưa áp dụng được cách thức luyện tập có mục đích".
Luyện tập có mục đích không chắc sẽ biến bạn thành tỷ phú, triệu phú hay một người thành đạt. Thế nhưng, những người thành đạt đều sử dụng nó như cách thức rèn luyện bản thân, đạt hiệu suất 100% trong bất kì thứ gì họ tham gia.
Một khi có được những kĩ năng hoạt động hết công suất mình mong muốn, sự sáng tạo sẽ giúp bạn tìm ra cách sử dụng cho nó và rồi biến hành động thành lợi nhuận.
Trí thức trẻ