Chứng chỉ quỹ ngày càng được mua bán nhiều hơn trên thị trường chứng khoán, nhất là khi kênh đầu tư quỹ đại chúng ngày một phát triển hơn. Vậy chứng chỉ quỹ là gì? Bạn cần quan tâm đến điều gì khi mua/bán chứng chỉ quỹ.
Giải mã chứng chỉ quỹ là gì?
Theo Luật chứng khoán Việt Nam, chứng chỉ quỹ là loại chứng khoán xác nhận quyền sở hữu của nhà đầu tư đối với một phần vốn góp của quỹ đại chúng. Chứng chỉ quỹ có mệnh giá thống nhất là 10,000 VNĐ. Chứng chỉ quỹ ngày càng được mua bán nhiều hơn trên thị trường chứng khoán, nhất là khi kênh đầu tư quỹ đại chúng ngày một phát triển hơn.
Nhà đầu tư mua chứng chỉ quỹ nghĩa là đã uỷ thác cho công ty quản lý quỹ, tùy theo sự lựa chọn của bạn mà có những công ty tương ứng. Với đội ngũ chuyên gia uy tín, có kinh nghiệm, các công ty quỹ giúp nhà đầu tư thực hiện quản lý và đầu tư số tiền bằng với số tiền người đầu tư đã mua chứng chỉ quỹ. Khi mua chứng chỉ quỹ để đầu tư quỹ đại chúng, nhà đầu tư nên cân nhắc yếu tố chi phí của quỹ đầu tư và tỷ lệ chi phí/thu nhập khi quyết định mua hoặc bán chứng chỉ quỹ nhằm đảm bảo việc đầu tư sinh lời hiệu quả.
Bên cạnh nắm bắt khái niệm chứng chỉ quỹ là gì, bạn cũng cần lưu ý khi đầu tư quỹ đại chúng là cần dành thời gian tìm hiểu về công ty quản lý quỹ. Trên thị trường hiện nay có nhiều công ty với những ưu, khuyết điểm khác nhau, tùy theo sự thích hợp và lựa chọn của bạn. Nhưng dù là chọn địa chỉ nào đi chăng nữa thì cũng phải hướng tới yếu tố chất lượng và uy tín, bởi công ty quản lí quỹ sẽ là người quản lý đồng tiền của bạn, đầu tư chúng.
Sản phẩm Bảo hiểm liên kết đầu tư gắn kết bảo hiểm và chứng khoán
Sau hơn 17 năm hình thành và phát triển, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã phát triển lớn mạnh với mức vốn hóa thị trường đạt khoảng 2.750 nghìn tỷ đồng, tương đương 61,1% GDP (tính đến ngày 30/9/2017).
Bên cạnh việc phát triển mạnh về quy mô thị trường thì việc thu hút các dòng vốn đầu tư vào TTCK cũng luôn là mục tiêu đặt ra đối với cơ quan quản lý TTCK. Chính vì vậy, việc mở rộng sự liên kết giữa TTCK với các thị trường khác như thị trường tiền tệ, thị trường bảo hiểm, thị trường bất động sản… là một trong những hướng đi để phát triển TTCK Việt Nam.
Vào năm 2006, sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư (BHLKĐT) lần đầu tiên được ra mắt tại Việt Nam đã tạo nên sự đột phá cho thị trường bảo hiểm nhân thọ (BHNT) và dường như đã “làm đậm” thêm “mối lương duyên” giữa hai ngành Bảo hiểm - Chứng khoán.
Theo Báo cáo tình hình thị trường bảo hiểm năm 2016 của Cục Quản lý, Giám sát Bảo hiểm (Bộ Tài chính), so với năm 2015, doanh thu phí khai thác mới từ sản phẩm BHLKĐT đã vượt qua sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp, chiếm tỷ trọng hơn 50% trên tổng doanh thu phí khai thác mới từ các nghiệp vụ BHNT và tỷ lệ này có xu hướng tiếp tục tăng lên khi dòng sản phẩm BHLKĐT đang được đánh giá là rất tiềm năng và đạt tốc độ tăng trưởng “thần kỳ”.
Bảo hiểm liên kết đầu tư là gì?
BHLKĐT bắt đầu được biết đến tại các nước có thị trường tài chính phát triển ở châu Âu và Bắc Mỹ như Anh, Canada, Pháp, Đức, Mỹ (cuối thập niên 70 của thế kỷ XX), Ý, Hà Lan, Tây Ban Nha (cuối thập niên 80 của thế kỷ XX), Bỉ (1993), Bồ Đào Nha (1994); các thị trường ở châu Á như Singapore, Hồng Kông (1992)… Đến nay, sản phẩm BHLKĐT trên thị trường thế giới đã phát triển rất đa dạng với nhiều tên gọi khác nhau, ví dụ như:
- BHNT liên kết đơn vị (Unit-linked Life Insurance): “Unit-linked” có nghĩa là tiền phí bảo hiểm được liên kết với giá của các đơn vị quỹ đầu tư. “Unit” mang nghĩa các đơn vị quỹ, chứng chỉ quỹ vì phí của người đóng bảo hiểm hình thành các quỹ, mỗi quỹ được chia thành các phần đầu tư có giá trị như nhau. Mỗi phần đầu tư được gọi là một đơn vị (unit).
- BHNT biến đổi (Variable Life Insurance): Thuật ngữ “variable” có nghĩa là lợi nhuận của quỹ biến đổi tương ứng với giá trị của các tài sản cơ sở trong danh mục đầu tư của quỹ.
- BHLKĐT (Investment linked Insurance Product - ILPs) được hiểu là một loại sản phẩm BHNT không chia lãi bao gồm hai phần tương đối tách biệt nhau là phần bảo hiểm và phần đầu tư: phần bảo hiểm dành cho BHNT (chiếm tỷ lệ nhỏ trong phí bảo hiểm) để đổi lại, khách hàng nhận được sự bảo vệ về tài chính của công ty bảo hiểm (CTBH); và phần đầu tư dành cho tiết kiệm, đầu tư thu lợi nhuận (chiếm tỷ lệ lớn trong phí bảo hiểm) để có cơ hội tích lũy và đầu tư với lãi suất cao.
Thông thường, CTBH có hai hoặc nhiều quỹ đầu tư để bên mua bảo hiểm lựa chọn; mỗi quỹ đầu tư được đầu tư theo một danh mục đầu tư xác định; phần lớn số phí bảo hiểm được phân bổ để mua các đơn vị quỹ đầu tư đã chọn. Bên mua bảo hiểm được hưởng lợi nhuận khi giá trị đơn vị quỹ tăng hoặc chịu tổn thất khi giá trị các đơn vị quỹ giảm.
So với các sản phẩm BHNT truyền thống, sản phẩm BHLKĐT ưu việt hơn ở chỗ:
(i) Phí bảo hiểm của khách hàng được đưa vào tài khoản tách biệt với tài sản chung của CTBH và vì vậy được bảo đảm tách biệt với các nghĩa vụ pháp lý (ví dụ như các khoản nợ) của CTBH;
(ii) Người mua bảo hiểm có thể lựa chọn các quỹ với những danh mục đầu tư cụ thể ngay từ giai đoạn đầu tham gia hợp đồng (ví dụ quỹ đầu tư danh mục trái phiếu, quỹ đầu tư danh mục cổ phiếu, chỉ số…) và được hưởng toàn bộ lợi nhuận từ kết quả đầu tư nhưng cũng chịu tổn thất nếu đầu tư kém hiệu quả.
Tại Việt Nam, BHLKĐT bao gồm hai loại:
(i) Bảo hiểm liên kết chung (Universal Life Insurance) là loại bảo hiểm chỉ có một quỹ đầu tư duy nhất là quỹ liên kết chung được hình thành từ nguồn phí của các hợp đồng bảo hiểm; và
(ii) Bảo hiểm liên kết đơn vị (Unit-Linked Insurance) là loại bảo hiểm có tối thiểu 02 quỹ đầu tư, mỗi quỹ có các chiến lược đầu tư khác nhau với mức độ rủi ro khác nhau để người mua bảo hiểm có thể lựa chọn quỹ đầu tư theo khẩu vị rủi ro của mình.
Chất “xúc tác” gắn kết ngành Bảo hiểm và ngành Chứng khoán
Theo Diễn đàn của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), các CTBH đóng vai trò là một trong những “người chơi” chính trên TTCK toàn cầu, thuộc nhóm các nhà đầu tư chuyên nghiệp lớn thứ hai thế giới sau các quỹ đầu tư. Lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm phát triển với tốc độ nhanh, mạnh nhưng các chính sách bảo hiểm lại có sự ổn định cao. Các CTBH có khả năng áp dụng chiến lược đầu tư dài hạn, không bán các khoản mục đầu tư khi TTCK giảm giống như nhiều nhà đầu tư khác, vì vậy họ đóng vai trò là một kênh ổn định trong hệ thống tài chính, nhất là trong các cuộc khủng hoảng kinh tế.
Thị trường bảo hiểm nói chung và BHLKĐT nói riêng đóng vai trò là bên cầu cho TTCK, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy thanh khoản trên thị trường cổ phiếu, trái phiếu. Các CTBH huy động phí bảo hiểm của nhà đầu tư để thành lập các quỹ bảo hiểm đầu tư trên TTCK tạo nên một nguồn vốn lớn, mang tính ổn định và dài hạn cho thị trường. Ngược lại, khi TTCK phát triển đã kéo theo sự tăng trưởng ấn tượng của thị trường BHLKĐT (đặc biệt là sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị).
Điển hình như tại Ấn Độ, BHLKĐT được gọi là ULIP (Unit-Linked Insurance Plans) ra đời vào tháng 01/2002 khi TTCK Ấn Độ bùng nổ và tăng trưởng liên tục. ULIP đã tạo ra gần 90% doanh thu cho các CTBH, chi phối thị trường BHNT tại Ấn Độ. Bảo hiểm liên kết nhanh chóng trở thành một trong những sản phẩm đầu tư phổ biến đối với nhà đầu tư cá nhân và được bán như một công cụ đầu tư tài chính ngắn hạn.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 - 2009 và việc quy định thắt chặt quản lý ULIP của Cơ quan Phát triển và Quản lý Bảo hiểm Ấn Độ (Insurance Regulatory and Development Authority) đã khiến doanh thu khai thác mới của ULIP giảm từ 29% năm 2007 -2008 xuống còn 10% trong năm 2008 - 2009
Tại Singapore, sản phẩm BHLKĐT được giới thiệu lần đầu năm 1992 bởi Công ty BHNT Prudential. Ra đời trong giai đoạn TTCK Singapore khá phát triển đã thúc đẩy doanh số của sản phẩm BHLKĐT gia tăng nhanh chóng. Kể từ khi ra đời, năm 1992, doanh thu phí BHLKĐT chỉ chiếm 8% doanh thu phí BHNT, sau hơn 10 năm, vào năm 2004, doanh thu phí BHLKĐT chiếm tới 29% tổng doanh thu phí BHNT. Các công ty BHNT tại Singapore thường thiết kế danh mục các quỹ đầu tư khác nhau theo khả năng tài chính, khẩu vị rủi ro để khách hàng lựa chọn.
Có rất nhiều loại hình quỹ đầu tư (quỹ con hay sub-fund) tương ứng với mỗi loại BHLKĐT, từ các quỹ có rủi ro thấp (các quỹ đầu tư vào tiền gửi ngân hàng hoặc trái phiếu chính phủ - TPCP), các quỹ rủi ro cao hơn như quỹ đầu tư cổ phiếu, chỉ số, các quỹ đầu tư phái sinh… Khoảng 95% tài sản của các quỹ BHLKĐT tại Singapore được đầu tư trên TTCK trong các năm từ năm 2012 - 2016, đặc biệt trong năm tài chính 2014 – 2015, tỷ lệ này đạt trên 96%, cho thấy TTCK là một kênh đầu tư vô cùng quan trọng của các sản phẩm BHLKĐT.
Sản phẩm BHLKĐT đầu tiên tại Việt Nam ra đời vào tháng 3/2006 do CTBH Chubb Life Việt Nam giới thiệu với tên gọi “Kế hoạch tài chính trọn đời”. Sau 12 năm, BHLKĐT đã trở thành một trong những sản phẩm chủ lực của các doanh nghiệp BHNT và ngày càng phát huy vai trò là cầu nối giữa thị trường bảo hiểm và TTCK.
Kể từ khi ra đời, sản phẩm BHLKĐT đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ thể hiện trên cả 3 chỉ tiêu: số hợp đồng bảo hiểm khai thác mới, số tiền đã chi trả bảo hiểm và số phí bảo hiểm, tăng không ngừng qua các năm từ năm 2008 - 2015, khiến cho tỷ trọng đóng góp của BHLKĐT trong lĩnh vực BHNT ngày càng tăng. Năm 2015, tỷ trọng số hợp đồng bảo hiểm mới chiếm 35,6%; tỷ trọng số tiền bảo hiểm đã chi trả cho người mua bảo hiểm chiếm gần 67%; tỷ trọng doanh thu phí bảo hiểm chiếm 47,41% trong các nghiệp vụ của BHNT.
Trong dòng sản phẩm BHLKĐT, bảo hiểm liên kết chung hiện chiếm ưu thế rõ rệt so với bảo hiểm liên kết đơn vị. Hiện có 16/18 CTBH nhân thọ triển khai bảo hiểm liên kết chung. Tính đến ngày 31/12/2016, tổng giá trị của các quỹ liên kết chung trên toàn thị trường là 33.492 tỷ đồng. Trong đó, giá trị quỹ liên kết chung của Bảo Việt Nhân thọ là lớn nhất đạt 13.924 tỷ đồng, chiếm 41,57%; Chubb Life đứng ở vị trí thứ 2 là 5.120 tỷ đồng, chiếm 15,29%; tiếp đến là AIA 4.354 tỷ đồng, chiếm 13%.
Hầu hết các quỹ liên kết chung đều chọn TPCP, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và tiền gửi ngân hàng để đầu tư tài sản quỹ, ít đầu tư vào cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp vì tính rủi ro cao. Năm 2016, thu nhập từ lãi trái phiếu của các quỹ bảo hiểm liên kết chung có giá trị quỹ trên 1.000 tỷ đồng chiếm trung bình trên 90% tổng thu nhập từ hoạt động đầu tư cho thấy vai trò rất lớn của các quỹ này đối với thị trường TPCP.
Trong khi đó, hiện chỉ có 3 doanh nghiệp BHNT triển khai sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị là Prudential, Manulife và Dai-ichi với 14 quỹ đầu tư có mục tiêu, cơ cấu đầu tư khác nhau: sản phẩm “Phú Bảo Gia Thịnh Vượng” của Prudential có 6 quỹ liên kết đơn vị; Sản phẩm “Phúc Lộc Thịnh Vượng” của Manulife với 3 quỹ; sản phẩm “An Thịnh Đầu Tư” của Dai-ichi có 5 quỹ.
Năm 2016, quỹ liên kết đơn vị của Prudential có doanh thu lớn nhất 278,4 tỷ đồng, trong đó doanh thu của Quỹ Cổ phiếu Việt Nam có mức sinh lời cao nhất 176,1 tỷ đồng, chiếm 63,3% doanh thu của các quỹ liên kết đơn vị tại Prudential. Các quỹ của Manulife có thu nhập 157,4 tỷ đồng, trong đó quỹ Tăng trưởng đầu tư vào cổ phiếu có mức sinh lời cao nhất 78,3 tỷ đồng.
Các quỹ liên kết đơn vị của Dai-ichi có tổng thu nhập là 33,6 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn trong đó là thu nhập từ quỹ Phát triển và quỹ Tăng trưởng. So với các quỹ bảo hiểm liên kết chung, các quỹ bảo hiểm liên kết đơn vị đã đầu tư mạnh mẽ hơn vào các cổ phiếu niêm yết và đạt được mức sinh lời khá tốt.
Các cổ phiếu được lựa chọn đầu tư là các blue-chips (cổ phiếu thượng hạng) trên thị trường như VNM, VCB, VIC, GAS, HPG, FPT… trong đó cổ phiếu của VNM là một trong số cổ phiếu tốt nhất TTCK được các quỹ bảo hiểm đầu tư với tỷ lệ lớn: 13,4% tại các quỹ liên kết đơn vị Dai-ichi; 14,4% tại các quỹ liên kết đơn vị tại Prudential; trung bình khoảng 12% tại các quỹ liên kết đơn vị Manulife cho thấy hoạt động đầu tư của các quỹ này đã góp phần quan trọng thúc đẩy thanh khoản trên TTCK.
Theo xu thế chung của thế giới, khi TTCK và thị trường bảo hiểm phát triển đến một mức độ nhất định sự liên kết giữa hai thị trường sẽ ngày càng chặt chẽ và TTCK sẽ là một kênh đầu tư không thể thiếu của thị trường bảo hiểm và các CTBH, đặc biệt là khi sản phẩm BHLKĐT đã bắt đầu phát triển và ngược lại việc thu hút được các nguồn vốn trong lĩnh vực bảo hiểm sẽ tạo ra một lực cầu lớn mạnh và ổn định cho TTCK.
Tại Việt Nam, hoạt động đầu tư của các CTBH có những khó khăn nhất định do quy định về hạn mức đầu tư của quỹ bảo hiểm nhân thọ tại Nghị định 73/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật Kinh doanh Bảo hiểm, Thông tư số 52/2016/TT-BTC hướng dẫn triển khai bảo hiểm liên kết chung và Thông tư số 135/2012/TT-BTC hướng dẫn triển khai bảo hiểm liên kết đơn vị.
Tuy nhiên, kinh nghiệm từ nhiều nước, vùng lãnh thổ (như Singapore, Đài Loan) cho thấy, việc nới rộng các rào cản về đầu tư sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động đầu tư của CTBH được đa dạng hơn, thậm chí việc cho phép đầu tư các công cụ phái sinh còn hỗ trợ CTBH phòng vệ rủi ro hiệu quả và sẽ gián tiếp thúc đẩy sự phát triển của các thị trường phụ trợ như TTCK và ngân hàng.
Mặc dù tại Việt Nam hiện nay, sự phát triển của sản phẩm BHLKĐT đang nghiêng về sản phẩm bảo hiểm liên kết chung, đầu tư chủ yếu là TPCP, tiền gửi ngân hàng nhưng sự manh nha phát triển của sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị đã và đang mở đường cho các CTBH tới các công cụ đầu tư đa dạng, lợi nhuận tiềm năng hơn như cổ phiếu, chứng chỉ quỹ thậm chí là các công cụ phái sinh.
Trong tương lai, cùng với sự phát triển của TTCK là sự gia tăng, mở rộng các loại sản phẩm BHLKĐT, đặc biệt là sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị dưới sự quản lý của các công ty quản lý quỹ chuyên nghiệp, theo thông lệ quốc tế sẽ là một xu hướng tất yếu và theo đó mối quan hệ giữa hai thị trường bảo hiểm và chứng khoán sẽ ngày càng bền chặt.
Theo Tạp chí Chứng khoán