Hẳn ai cũng từng (nhiều lần) giật mình thảng thốt: “không biết tiền đi đâu mất”. Đó là do chúng ta chưa thực sự nghiêm túc trong quản lý tài chính cá nhân.
Cách bạn quản lý, sử dụng và đầu tư tiền có thể tạo ra những tác động sâu sắc đến cuộc sống của bạn, nhưng rất ít trường lớp dạy những kỹ năng quan trọng này. Cần rất nhiều thời gian học và thực hành để hiểu rõ về tài chính, nhưng bạn hoàn toàn có thể bắt đầu quản lý tài chính cá nhân với một số bước đơn giản sau đây.
QUY TẮC VÀNG TRONG QUẢN LÝ TÀI CHÍNH CÁ NHÂN
Về cơ bản, chúng ta kiếm được X đồng/tháng, sử dụng Y đồng/tháng, và cố gắng làm sao để Y luôn nhỏ hơn X. Nhưng quản lý tài chính không chỉ có vậy, nó liên quan đến tâm lý, tư duy, thói quen và giá trị sống nhiều hơn là những con số.
1. Chi tiêu ít hơn số tiền bạn kiếm được:
Nếu bạn kiếm được 10 triệu/tháng nhưng lại tiêu đến 11 triệu/tháng, bạn sẽ bị mắc kẹt với những khoản nợ. Nếu bạn tiêu chính xác con số bạn thu được, bạn sẽ không thể chuẩn bị cho những trường hợp khẩn cấp hay những thay đổi quan trọng trong cuộc đời. Nghe có vẻ đơn giản nhưng lại rất khó thực hiện, chi tiêu ít hơn số tiền bạn kiếm được là quy tắc đầu tiên bạn phải tuân theo nếu muốn tiết kiệm, chuẩn bị cho tương lai và đối phó với những cuộc khủng hoảng không thể tránh khỏi. Khoảng cách giữa thu nhập và chi tiêu càng lớn, bạn càng dễ xoay xở với khoản dành dụm của mình.
2. Luôn lập kế hoạch cho tương lai:
Nói đến tiết kiệm cho tương lai, chúng ta thường nghĩ ngay đến sổ tiết kiệm hoặc các khoản hưu trí. Tuy nhiên, bạn có thể bắt đầu bằng những hình thức đơn giản hơn. Ví dụ, khi bạn cần mua một món đồ gia dụng lớn (như tivi, tủ lạnh…), bạn sẽ chọn mua trả góp hay thanh toán một lần? Nếu mua trả góp, bạn có khả năng trả bao nhiêu, trong bao lâu? Tài chính không phải là chuyện của hôm nay hay tháng này, mà ngay từ hôm nay, chúng ta đã phải cân nhắc cho 6 tháng sau rồi. Việc tạo một “quỹ khẩn cấp” cũng rất cần thiết. Bạn sẽ xoay xở thế nào nếu vào cuối tháng, tiền đã hết, lương chưa về và xe của bạn lại bị hư hay bạn đột ngột mắc bệnh? Lúc này, một khoản dành dụm nhỏ lại cực kỳ quan trọng đấy!
3. Hãy để tiền tạo ra tiền:
Bạn có biết vì sao người giàu luôn giàu có hơn không? Bởi vì tiền có thể tăng lên trong khi bạn đang ngủ, miễn là bạn có một khoản tiền “gốc”. Đầu tư đúng cách có thể giúp con số trong ngân hàng của bạn sinh sôi nảy nở nhanh chóng. Đừng chỉ gửi toàn bộ số tiền bạn có trong một tài khoản tiết kiệm lãi suất thấp. Hãy chia tiền thành nhiều phần và đầu tư vào nhiều hạng mục khác nhau, kể cả đầu tư cho việc học để có được một công việc lương cao hơn.
BẮT ĐẦU BẰNG VIỆC THIẾT LẬP NGÂN SÁCH
Chắc chắn bạn đã không ít lần thốt lên rằng: “Tiền đi đâu mất”, “không biết xài gì mà hết”, “sao cứ có cảm giác như bị rớt tiền”… Lập ngân sách chính là cách giúp bạn quản lý tài chính nhân và nắm rõ các khoản chi của mình. Bạn có thể bắt đầu bằng giấy, bút, máy tính, hay đơn giản hơn là các app ghi chép trên điện thoại.
Hãy ghi lại tất cả các chi phí thường xuyên của bạn trong một tháng, có thể chia theo hạng mục:
- Hóa đơn gia đình (tiền nhà, điện, nước, wifi…)
- Chi phí sinh hoạt (đồ ăn, nước uống, vật dụng nhà tắm, nhà bếp…)
- Sản phẩm tài chính (bảo hiểm…)
- Gia đình và bạn bè (quà…)
- Đi lại (xăng xe, taxi, phương tiện giao thông công cộng…)
- Giải trí (ngày lễ, thể thao, nhà hàng…)
Đối với những người mới làm lần đầu, bạn có thể ước lượng một con số và thu thập các biện nhận (hoặc ghi chép lại số tiền) trong những tháng sau để hiểu được thói quen chi tiêu của bản thân. Lý tưởng nhất là số tiền bạn chi tiêu trong một tháng phải thấp hơn số tiền bạn kiếm được. Nếu không, hãy rà soát lại danh sách và quyết định xem bạn có thể cắt giảm chi phí ở khoản nào, đồng thời đặt ra hạng mức chi tiêu cụ thể.
Tuy nhiên, chuyên gia tài chính Ramit Sethi cho rằng quá nghiêm khắc không thực sự mang lại kết quả tốt và đề xuất chia tiền của bạn thành bốn loại:
Chi phí cố định (50-60%): Đây là chi phí dành cho những khoản cố định mỗi tháng như tiền thuê nhà, điện, nước, wifi, thức ăn cho thú nuôi… Có thể thay đổi một chút từ tháng này sang tháng khác, nhưng ít nhất, bạn có thể dự trù được khoản tiền mà bạn không được dùng phạm vào.
Đầu tư (10%): Khi bạn tiết kiệm được một khoản tiền, bạn nên nghĩ đến chuyện đầu tư. Tuy nhiên, khi mới bắt đầu, bạn chỉ nên đầu tư một khoản vừa phải, khoảng 10% tiền lương mỗi tháng hoặc tiền tiết kiệm của bạn.
Tiết kiệm (5-10%): Tiết kiệm ngắn hạn và dài hạn, có thể bao gồm tiết kiệm tiền cho các kỳ nghỉ, quà tặng hoặc các giao dịch lớn như TV hoặc máy tính mới. Bạn cũng nên lập một quỹ khẩn cấp – một khoản tiền nhỏ bạn giữ trong thẻ ATM cho các trường hợp bất ngờ như sửa chữa xe hoặc hóa đơn đột xuất.
Chi phí tự do (20-35%): Đây là khoản chi phí dùng cho các quyết định liên quan đến sở thích cá nhân của bạn như ăn uống, xem phim, mua sắm…. Miễn là bạn đảm bảo duy trì 3 khoản phí trên.
Bạn có thể (và nên) điều chỉnh tỷ lệ phần trăm dựa trên tuổi tác, mục tiêu tài chính và những gì bạn thấy quan trọng. Nếu bạn không có khả năng tiết kiệm hoặc đầu tư 10% thu nhập sau khi chi tiêu, hãy tiết kiệm những gì bạn có thể. Bạn cũng có thể tăng thêm tiền tiết kiệm của mình lên 20% ngân sách thay vì phải chi vào những thú vui không cần thiết.
Nguồn tổng hợp