Không giống với những loại bệnh thông thường, chi phí chữa trị ung thư khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh khốn cùng chỉ trong vài tháng đầu phát hiện bệnh.
Khó khăn tài chính khi đối mặt với ung thư
Ở Việt Nam, đa phần bệnh ung thư đều được phát hiện ở giai đoạn muộn nên quá trình điều trị càng gặp nhiều khó khăn và tốn kém, chủ yếu là do những loại thuốc đặc trị cũng như thời gian chữa bệnh kéo dài. Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong năm 2015, quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả hơn 4.400 tỷ đồng cho bệnh nhân ung thư.
Tại Hội thảo “Tiếp cận điều trị ung thư hiệu quả và đáp ứng khả năng chi trả”, được tổ chức vào tháng 4 năm 2016, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm – Bà Tống Thị Song Hương cho biết chi phí thuốc điều trị ung thư hàng năm chiếm khoảng 10% tổng chi phí khám chữa bệnh BHYT. Nếu điều trị bằng thuốc Glivec, người bệnh phải trả 500 triệu đồng mỗi năm; thuốc Erlotinib và thuốc Sorafenib lần lượt là 40 triệu, 118 triệu đồng hàng tháng.
Ngoài ra, bệnh nhân còn được kê thêm một số loại thực phẩm chức năng có tác dụng thải độc sau khi truyền hóa chất, bảo vệ gan, dạ dày, tăng đề kháng, tạo hồng cầu…Đa số những loại thuốc này đều được nhập khẩu nên giá thành tương đối cao.
Nhiều người phải dừng điều trị ung thư vì không đủ khả năng tài chính
Tại bệnh viện, ngoài phí khám ung thư ban đầu, bệnh nhân còn phải chi trả cho những lần khám định kì và nằm giường suốt thời gian dài. Với những ca phải thuyên chuyển đến các bệnh viện chuyên ngành về ung thư, chi phí di chuyển và sinh hoạt xa nhà cũng là một gánh nặng không hề nhỏ.
Trong quá trình điều trị ung thư, người thân phải thường trực bên cạnh bệnh nhân. Tuy nhiên, họ cũng cần người để chăm sóc trẻ em và người lớn tuổi trong nhà (nếu có). Theo đó, chi phí thuê người lại chiếm một khoảng lớn trong ngân sách hàng tháng. Trong khi đó, nguồn thu nhập từ công việc thường ngày bị giảm sút bởi hầu hết thời gian của họ đều ở bệnh viện.
Tiêu tốn hàng chục, hàng trăm triệu đồng mỗi tháng khiến nhiều người phải bỏ dở lộ trình điều trị vì nó quá tốn kém so với khả năng chi trả của họ. Trên thực tế, nước ta có 55% bệnh nhân cạn kiệt tài chính và tử vong trong vòng 12 tháng phát hiện bệnh (theo kết quả nghiên cứu chi phí chữa trị ung thư tại các nước khu vực Đông Nam Á công bố ở Hà Nội tháng 12 năm 2016).
Tinh thần tích cực, lạc quan của bệnh nhân tác động rất lớn đến kết quả điều trị
Dù chi phí chữa trị ung thư rất tốn kém, đa số mọi người đều cố gắng hết khả năng để vay mượn tiền với hy vọng rằng bệnh nhân sẽ khỏi, kèm theo đó là tâm lý hoang mang, căng thẳng vì áp lực tài chính. Trên thực tế, tinh thần tích cực, lạc quan của bệnh nhân và người nhà tác động rất lớn đến kết quả điều trị.
Theo GS.BS Nguyễn Chấn Hùng, ung thư phát hiện sớm càng dễ điều trị. Để không phải đối mặt với chi phí chữa trị ung thư cao ngất, chúng ta nên đi tầm soát định kì để can thiệp đúng lúc nếu có dấu hiệu của tế bào ung thư. Hãy chủ động bảo vệ sức khỏe của mình trước khi quá trễ bạn nhé!
Nguồn Tổng hợp