logo Global Business Card VIP

Doanh nghiệp Bảo Hiểm Việt dành vốn đầu tư vào đâu?

Đăng bởi Ngọc Cẩn vào lúc 13/09/2018

Năm 2017, thị trường bảo hiểm Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ổn định với doanh thu toàn thị trường đạt trên 131.000 tỷ, chiếm 2,64% GDP... và các Doanh nghiệp Bảo Hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 251.158 tỷ đồng, tăng 27% so với năm 2016.

Các doanh nghiệp bảo hiểm ở Việt Nam hiện nay chủ yếu sử dụng vốn nhàn rỗi để đầu tư vào trái phiếu Chính phủ và tiền gửi ngân hàng, với tỷ trọng trên 85%.

Theo ông Ngô Việt Trung, Phó cục trưởng Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), thị trường bảo hiểm Việt Nam được coi là một trong các kênh dẫn vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế. Hoạt động dẫn vốn này chủ yếu thông qua hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm.

Theo đó, trong giai đoạn 2011-2017, tổng số tiền các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế tăng trưởng bình quân 17,7%/năm.

Riêng năm 2017, đầu tư trở lại nền kinh tế của các doanh nghiệp bảo hiểm ước đạt 251.158 tỷ đồng, tăng 27% so với năm 2016.

"Với yêu cầu đặc thù của hoạt động kinh doanh bảo hiểm là luôn phải bảo đảm năng lực tài chính nhằm đáp ứng cam kết dài hạn của các hợp đồng bảo hiểm (đặc biệt trong lĩnh bực bảo hiểm nhân thọ), các doanh nghiệp bảo hiểm luôn ưu tiên lựa chọn các tài sản tài chính có tính an toàn cao và thời hạn dài, như trái phiếu Chính phủ và tiền gửi ngân hàng", ông Trung nhận định.

Cụ thể, năm 2017, đầu tư vào trái phiếu Chính phủ chiếm tỷ trọng hơn 60% trong tỷ trọng danh mục đầu tư, trong đó riêng lĩnh vực nhân thọ ước đạt 132.963 tỷ đồng (chiếm 62,3% tỷ trọng đầu tư toàn thị trường nhân thọ), lĩnh vực phi nhân thọ khoảng 10% vào trái phiếu các loại.

Cũng trong năm 2017, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã đấu thầu thành công 26.540 tỷ đồng tiền trái phiếu, trong đó, 15.552 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 30 năm (chiếm 55,86% khối lượng phát hành); 5.377 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 20 năm (chiếm tỷ trọng 28,45% khối lượng phát hành) và 5.611 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ 15 năm (chiếm tỷ trọng 16,8% khối lượng phát hành).

Bên cạnh việc đầu tư vào trái phiếu Chính phủ, các doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam cũng gửi ngân hàng để hưởng lãi suất, với tỷ trọng đầu tư khoảng 25%.

Đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, góp vốn vào doanh nghiệp khác chiếm tỷ trọng 8%, các tài sản đầu tư còn lại như cho vay, kinh doanh bất động sản, ủy thác đầu tư và hoạt động khác chiếm tỷ trọng không đáng kể 5%.

Ông Ngô Việt Trung cho rằng, Luật Kinh doanh bảo hiểm và các văn bản hướng dẫn thi hành cho phép các doanh nghiệp bảo hiểm được sử dụng vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm của mình để đầu tư ở Việt Nam trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, để đảm bảo đầu tư an toàn hiệu quả, các doanh nghiệp bảo hiểm phải tuân thủ quy định pháp luật về hoạt động đầu tư.

Trong đó, đối với các hình thức đầu tư như kinh doanh bất động sản, góp vốn vào doanh nghiệp khác... mức giới hạn đầu tư tối đa từ 10 - 50%.

"Ngoài ra, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng phải tuân thủ nguyên tắc đầu tư như không được đi vay để đầu tư trực tiếp hoặc ủy thác đầu tư, không được đầu tư trở lại dưới mọi hình thức cho các cổ đông, không được đầu tư quá 30% nguồn vốn đầu tư vào các công ty trong cùng một tập đoàn. Có thể nói về cơ bản hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm được thực hiện thận trọng, tuân thủ quy định pháp luật", ông Trung nhận định.

Đánh giá về thị trường bảo hiểm trong thời gian tới, Phó cục trưởng Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm cho rằng, thị trường bảo hiểm của Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng với nhiều loại hình mới như bảo hiểm liên kết đầu tư.

Loại hình này bao gồm sản phẩm bảo hiểm liên kết chung và sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị, với đặc điểm kết hợp của cả yếu tố bảo vệ và yếu tố đầu tư.

Theo đó, cơ cấu phí bảo hiểm và quyền lợi bảo hiểm được tách bạch giữa phần bảo hiểm rủi ro và phần đầu tư, bên mua bảo hiểm được linh hoạt xác định phí bảo hiểm và số tiền bảo hiểm, lựa chọn đầu tư phí bảo hiểm, được hưởng toàn bộ kết quả đầu tư và chịu mọi rủi ro đầu tư từ các quỹ liên kết đã lựa chọn.

"Ưu điểm của sản phẩm này là khách hàng biết rõ số phí bảo hiểm đem đi đầu tư và chủ động trong việc đầu tư phí bảo hiểm thông qua việc lựa chọn các quỹ liên kết thích hợp cũng như có quyền thay đổi giữa các quỹ liên kết.

Ở Việt Nam, hiện nay có 17/18 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đang triển khai sản phẩm bảo hiểm liên kết chung và 4/18 doanh nghiệp đang triển khai sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị. Trong năm 2017, nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư chiếm 43% tỷ trọng tổng phí bảo hiểm", ông Trung cho biết.

Đối với các doanh nghiệp bảo hiểm, việc triển khai bảo hiểm liên kết đầu tư giúp doanh nghiệp đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu bảo hiểm kết hợp yếu tố đầu tư của khách hàng, góp phần thu hút khách hàng. Tuy nhiên đòi hỏi điều kiện triển khai cao nên hầu như chỉ các doanh nghiệp bảo hiểm lớn mới có thể đáp ứng được.

Ông Ngô Việt Trung cũng cho rằng, để phát triển loại hình bảo hiểm liên kết đầu tư, mang lại lợi ích cho người mua bảo hiểm, cơ quan quản lý đóng vai trò quan trọng trong việc tạo lập khuôn khổ pháp lý để khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm triển khai loại hình bảo hiểm này và thực hiện công tác quản lý giám sát đảm bảo doanh nghiệp bảo hiểm phát triển an toàn hiệu quả, bảo vệ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm.

"Về góc độ quản lý nhà nước, Bộ Tài chính (Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm) có vai trò tạo dựng khuôn khổ pháp lý để khuyến khích loại hình sản phẩm cũng như dịch vụ này phát triển.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính thực hiện công tác quản lý giảm sát để đảm bảo các doanh nghiệp triển khai sản phẩm này tuân thủ những quy định của pháp luật có liên quan trong hoạt động đầu tư, nâng cao tính an toàn, hiệu quả và đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm", ông Trung nói.

Theo Thị Trường Tài Chính Bảo Hiểm.

 


popup

Số lượng:

Tổng tiền:

Giỏ hàng( Sản phẩm)

avatar
Xin chào
close nav
Tất cả danh mục